Gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc kỳ vọng mức giá cho mỗi cổ phần vào khoảng 60-66 USD.
Alibaba
đã công bố kế hoạch IPO (chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu) với
giá trị công ty vào khoảng 155 tỷ USD, ngay lập tức đưa công ty trở
thành một trong những doanh nghiệp niêm yết lớn nhất ở Mỹ và đánh dấu
một trong những màn ra mắt thị trường chứng khoán lớn nhất trong lịch
sử.
Hứa hẹn kỷ lục IPO mới
Alibaba
đã hoàn thiện các thủ tục vào thứ Sáu (5/9/2014), tự định giá bản thân ở
mức 155 tỷ USD, xếp ngay dưới đối thủ Amazon, với vốn hóa thị trường
hiện vào khoảng 160 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị của Alibaba có thể tăng
lên trong những ngày trước khi công ty chính thức IPO, nhờ buổi roadshow
vào thứ Hai (8/9/2014).
Cổ phiếu Alibaba dự
kiến bắt đầu giao dịch ở Sở giao dịch chứng khoán New York trong tuần
sau đó, với mã chứng khoán BABA. Nếu công ty bán ra tối đa số cổ phần dự
kiến với mức giá kỳ vọng cao nhất, số tiền mà Alibaba huy động được sẽ
lên đến 24,3 tỷ USD. Đây sẽ là con số cao nhất từ trước tới nay, vượt
qua mức kỷ lục hiện tại là 22 tỷ USD thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp
Trung Quốc hồi năm 2010.
Alibaba là
đại gia thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nhưng đã làm được nhiều
hơn là chỉ bán đồ chơi và quần áo. Chính mạng lưới kết nối sản phẩm và
dịch vụ tuyệt vời đã giúp công ty này trở thành người khổng lồ lớn nhất
của lĩnh vực thương mại điện tử Trung Quốc.
Alibaba
là một tập hợp các phân khúc thị trường trực tuyến đa dạng dành cho
người tiêu dùng và doanh nghiệp, kiếm tiền nhờ việc thu phí quảng cáo
của các thương nhân đang nỗ lực tự quảng bá trên chợ điện tử sôi động,
nơi có đến 279 triệu người mua và chỉ có 8,5 triệu người bán.
Alibaba
cũng thu được rất nhiều lợi nhuận từ các đối tác Internet ở Hoa Kỳ,
mang về biên lợi nhuận hoạt động trong quý II lên đến 43%. Cùng thời
gian đó, ở Amazon, con số này là 0%.
Thời điểm thuận lợi
Việc
chào bán của Alibaba được hưởng lợi nhiều khi thị trường IPO Mỹ đang ở
thời điểm bận rộn nhất trong năm, được thúc đẩy nhờ giá cổ phiếu và nhu
cầu của nhà đầu tư đều đang tăng cao, trong khi lãi suất đang ở mức cực
thấp.
Năm nay, tổng cộng các đợt IPO ở Mỹ
đã huy động được số vốn lên đến 47 tỷ USD, theo thống kê từ Dealogic.
Thêm vào phiên giao dịch của Alibaba, đây sẽ là năm tốt nhất kể từ sau
kỷ nguyên dot-com kết thúc vào năm 2000, khi các đợt IPO thu được hơn
100 tỷ USD.
Mức định giá 155 tỷ USD tương
ứng với giá ban đầu của mỗi cổ phần vào khoảng 60-66 USD, thấp hơn so
với giá trị công ty mà giới phân tích dự kiến.
Tuy
nhiên, các nhà đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc các rủi ro bởi cơ cấu doanh
nghiệp phức tạp và cách quản trị bất thường của Alibaba, chưa kể đến
các khó khăn mà nó sẽ phải đối mặt từ các đối thủ khác ở Trung Quốc, ví
như Tencent. Việc mở rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc cũng sẽ gặp
nhiều khó khăn, những thị trường như Mỹ đã có sẵn các tay chơi lớn là
Amazon và eBay.
Giới phân tích đánh giá cao
"Công
ty này (Alibaba) đã đưa ra mức giá thận trọng, nhằm ngăn ngừa việc lặp
lại sự cố như trong lần IPO của Facebook", RJ Hottovy, chuyên gia chứng
khoán ở Morningstar nhận định. Vị này cho hay công ty nghiên cứu đang
ước tính giá trị của Alibaba vào khoảng 220 tỷ USD, dựa trên triển vọng
tương lai và kỳ vọng Alibaba sẽ thành công trên thị trường ngày càng mở
như hiện nay.
Giá của Alibaba "được ước
lượng nhằm mang đến một phiên giao dịch hấp dẫn. Đây là một động thái
thông minh của họ", Vince Rivers, quản lý quỹ cấp cao ở JO Hambro
Capital Management, ông dự tính sẽ tham gia buổi roadshow ở Mỹ.
Jack
Ma, 49 tuổi, nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành tài ba của công ty,
sẽ xuất hiện ở buổi roadshow trước các nhà đầu tư, một nguồn tin thân
cận cho biết.
Ông ấy đã viết một bức
thư cá nhân đến các nhà đầu tư trong buổi IPO hôm thứ Sáu, quảng bá "hệ
sinh thái" của Alibaba đến các nhà cung cấp, các khách hàng và các cổ
đông. "Chúng tôi chỉ có thể thành công nếu các khách hàng và đối tác kinh doanh của chúng tôi thành công", ông viết. "Nếu bạn sở hữu cổ phần trong công ty chúng tôi, bạn sẽ trở thành một phần trong hệ sinh thái của chúng tôi".
Nhà đầu tư thích thú
Jack
Ma sẽ bán ra khoảng 800 triệu USD cổ phần từ lượng cổ phiếu mà ông nắm
giữ, giá trị khoảng 12 tỷ USD (theo mức giá trung bình của đợt chào
bán). Ông sẽ vẫn sở hữu 7,8% cổ phần công ty sau đợt IPO.
Cổ
đông lớn nhất của Alibaba là SoftBank của Nhật Bản, sẽ nắm 32% cổ phần
công ty sau khi IPO, do không bán ra cổ phần trong đợt chào bán đầu tiên
này.
SoftBank đã đầu tư 20 triệu
USD vào Alibaba vào năm 2000 và sẽ sở hữu lượng cổ phần trị giá khoảng
50 tỷ USD sau khi công ty IPO.
Với
155 tỷ USD, Alibaba được định giá (P/E) gấp 41 lần lợi nhuận của năm tài
chính 2013 vừa kết thúc hồi tháng Ba. Tuy nhiên, các nhà phân tích kì
vọng lợi nhuận công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vào những năm tới,
khi đã được hỗ trợ nhiều hơn. So với thu nhập khiêm tốn năm 2013, giá
trị của Amazon hiện gấp gần 600 lần so với lợi nhuận năm 2013.
Một
số nhà đầu tư tỏ ra ưa thích cách định giá của Alibaba. "Mức giá rất
hấp dẫn, theo hồ sơ tăng trưởng, khả năng sinh lời và sự thống trị của
công ty ở thị trường Trung Quốc", Andrew Cupps, giáo đốc đầu tư của quỹ
Cupps Capital Management ở Chicago cho biết.
Cấu trúc đối tác bình đẳng
Alibaba
quyết định niêm yết trên sàn Mỹ, một phần là vì công ty này đã bị thị
trường chứng khoán Hong Kong từ chối. Họ kết luận "cấu trúc đối tác" của
Alibaba vi phạm quy tắc về việc để tất cả các cổ đông có quyền biểu
quyết ngang nhau.
Alibaba có 30 đối
tác, gồm các giám đốc điều hành, các nhà quản lý tại các công ty trực
thuộc và ông Jack Ma, đều có quyền đề cử vào hội đồng quản trị công ty,
như một cách để bảo vệ tầm nhìn của họ đối với công ty và những điều họ
tin là văn hóa độc đáo của công ty.
"Chúng
tôi tin rằng cách tiếp cận đối tác đã giúp chúng tôi quản lý tốt hơn
doanh nghiệp của mình, với bản chất quan hệ đối tác bình đẳng sẽ cho
phép các quản lý cấp cao làm việc như một đội, chống lại hệ thống phân
cấp và sự quan liêu", Jack Ma viết trong bức thư gửi các nhà đầu tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét